» » » Cơ chế sữa non và cách vắt trữ sữa non trước khi sinh

Hôm nay (Phu nu dep) sẽ chia sẻ cho các mẹ biết về cơ chế sản xuất sữa non và hướng dẫn chi tiết cách vắt trữ sữa non trước khi sinh. Các mẹ cần đọc kỹ để áp dụng an toàn nhé !


1. Sữa non có trong bầu vú mẹ từ khi nào?

Cơ thể mẹ bắt đầu sản xuất SỮA NON (Colostrum) từ giữa thai kỳ. Thông thường khoảng tuần 16 - 20 của thai kỳ (mẹ sinh con rạ có thể thấy sữa non sớm hơn) trong bầu vú mẹ diễn ra quá trình hoàn chỉnh của tế bào tạo sữa (lactocytes - nang sữa) và những giọt sữa non đầu tiên bắt đầu được tạo ở đây gọi là Giai đoạn Tạo sữa 1 (Lactogenesis I). Ở giai đoạn này, khoảng cách giữa các nang sữa còn chưa kín, do đó sự lưu thông qua lại giữa huyết thanh (máu) và sữa khá cao, vì vậy sữa non có thể có màu hơi đỏ của máu, màu nhuốm hồng, màu vàng cam hoặc màu vàng nhạt (chứ không trắng như sữa già (Mature Milk) ở Giai đoạn Tạo sữa 2 khi hình thức, chất thay đổi và lượng sữa gia tăng đáng kể.)
Betibuti đã có rất nhiều bài viết về tác dụng của sữa non trong 72 giờ đầu đời, cũng như tác hại của sct và bình sữa đối với bé sơ sinh. Cm nên tham khảo lại các bài viết đó để hiểu vì sao việc những cử bú đầu đời là sữa non của mẹ là cực kỳ quan trọng.

2. Vắt sữa non trước khi sinh để làm gì?
Học cách để vắt tay, thu hoạch dần dần và dự trữ SỮA NON từ trước khi sinh là một kỹ năng cần thiết cho các bà mẹ. Ngay sau khi sinh, bé cần được CHỈ BÚ HOÀN TOÀN SỮA NON của mẹ.
Tuy nhiên, trong một số tình huống đặc biệt, do quy trình của Bệnh viện, do sức khỏe của mẹ hoặc con, con có thể phải cách ly khỏi mẹ, sữa non trữ sẵn của mẹ sẽ cực kỳ hữu dụng.
Các tình huống đặc biệt đó bao gồm:
Mẹ bị tiểu đường/ tiểu đường thai kỳ
Mẹ được chỉ định sinh mổ
Mẹ có bất thường ở bầu vú/ đầu ti
Bé bị hở hàm ếch
Các tình huống sức khỏe khác của mẹ/ con ngay sau khi sinh

3. Vắt sữa non vào thời điểm nào là thích hợp?

Cm có thể thỉnh thoảng khi tắm hoặc chăm sóc bầu vú, có thể thấy sữa non từ tuần 32 đến 34 của thai kỳ. Tuy nhiên, việc thu hoạch sữa có thể thật sự bắt đầu từ tuần thứ 36, khi sữa non có thể nhỏ giọt dễ dàng hơn.
Chăm sóc bầu vú đúng cách trong thai kỳ cũng giúp cho sữa non của mẹ được sản xuất và tiết ra dễ dàng hơn. Cm bầu nên tham khảo và áp dụng bài viết Chăm sóc bầu vú mẹ Phần 1, để áp dụng nhé.

4. Vắt sữa non như thế nào cho đúng và an toàn?

Tuyệt đối không được dùng bất cứ máy hút sữa nào để hút sữa non trước khi sinh, mà chỉ được vắt nhẹ nhàng bằng tay. Cách vắt tay dễ học và dễ thuần thục sau một vài lần thực hành. Và kỹ năng này rất có ích về sau này trong quá trình nuôi con sữa mẹ lâu dài.


Sữa non ở giai đoạn này được "thu hoạch từng giọt" như sau:

Vắt tay chỉ 3 đến 5 phút / lần x 3 - 5 lần/ ngày.
Dùng ống tiêm tiệt trùng (5ml - không kim) để thu từng giọt sữa non
Giữ túi nylon tiệt trùng gốc ban đầu, để cho ống tiêm có sữa vào, ghi ngày, dán lại trước khi trữ lạnh (dán tạm, nếu chưa đầy)
Thu tiếp sữa non vào ống tiêm cho đến khi đầy 1 ống 5 ml (không quá 3 ngày)
1 ống tiêm đầy (hoặc sau 3 ngày) thì niêm kín túi nylon và chuyển sang trữ đông trong 1 hộp kín (vd. Lock n Lock).

Vì sữa non khá đặc và dẻo nên chảy chậm và không ra thành tia như sữa già, nên nếu mỗi lần vắt mẹ thu được 0.5ml - 1ml, mẹ có thể thu được 2.5ml - 5ml/ ngày là kết quả rất tốt rồi.
Lượng sữa non thu được này có vẻ không nhiều, tuy nhiên nếu cm nhớ trong các bài trước Betibuti có mô tả dung tích dạ dày của bé sơ sinh trong ngày đầu chỉ 5 - 7ml, có nghĩa bé cũng chỉ cần bú 5 - 7ml/ cữ, cm sẽ hiểu vì sao một lượng sữa nhỏ thu hoạch trong vài tuần cũng vừa đủ cho con trong ngày đầu nếu cần.

Đọc đến đây, chắc hẳn có nhiều mẹ vẫn thắc mắc, lo lắng, vì hầu hết cm có thể được khuyên không được vân vê, kích thích đầu ti vì sợ kích thích chuyển dạ, sinh sớm.

Việc massage và vắt sữa này cũng có thể gây co thắt tử cung nhẹ, nhưng cách vắt và thời gian như mô tả trong bài viết này là an toàn và không kích ứng chuyển dạ (giống như những cơn chuyển dạ giả không đủ mạnh để gây sinh non), trừ khi mẹ đã ở sẵn trong tình trạng "doạ sinh sớm" từ trước tuần 36.

Phương pháp vắt trữ sữa trước khi sinh này đã được chính thức giới thiệu trong nhiều tài liệu của các tổ chức chuyên môn về sữa mẹ, (như Tài liệu hướng dẫn số 2811 năm 2008 của La Lêch League GB, Tài liệu hướng dẫn số 322591 của Captial and Coast District Health Board New Zealand)

5. Cách tự vắt sữa bằng tay?

Rửa tay sạch bằng xà phòng
Chườm bầu vú bằng khăn ấm (hoặc vắt sau khi tắm vòi sen ấm)
Massage bầu vú (có thể áp dụng pp massage 3' của Betibuti)
Động tác vắt gồm 3 bước: đặt - ấn - vắt
Đặt ngón tay cái phía trên quầng vú và ngón tay trỏ dưới quầng vú, cách chân ti khoảng 3cm - 4cm (đầu ngón tay cái, đầu ti và đầu ngón trỏ thẳng hàng)
Ấn giữ các đầu ngón tay cố định trên da, ấn ngược vào thành ngực
Vắt: ép hai đầu ngón tay về phía đầu ti để vắt nhẹ nhàng

Lặp lại động tác này nhịp nhàng theo 3 bước cho đến khi thấy những giọt sữa non tiết ra khỏi đầu ti.
Dùng ống tiêm hút "thu hoạch" từng giọt sữa non này

6. Cho bé bú sữa non trữ sẵn này như thế nào tốt nhất?

Khi đi sinh, bố mẹ bé mang sữa đông này trong hộp kín và túi trữ lạnh và gửi vào ngăn đông ở tủ lạnh của Bệnh viện.

Khi cần dùng, bố mẹ bé sẽ ngâm cả ống tiêm (để nguyên trong nylon tiệt trùng) vào nước ấm, hay máy hâm sữa, và đút cho bé ăn từ ống tiêm + mút ngón tay bố/ mẹ (finger-feeding như hình minh hoạ). Mỗi cữ 5ml, có thể cách cữ 1g - 1.5g trong ngày đầu, cho đến khi bé được về với mẹ, da-tiếp-da và bú mẹ trực tiếp.

Vì lượng sữa rất nhỏ, nên không nên chuyển sữa qua nhiều dụng cụ khác, vì sẽ làm hao tốn những giọt sữa quý giá này.

7. Ý nghĩa của việc vắt sữa non trước khi sinh

Giúp mẹ hiểu được cơ chế tạo sữa non trong thai kỳ và tự tin rằng trong bầu vú mẹ đã có sẵn sàng sữa cho con, chứ không phải chờ sữa về như quan niệm sai lầm phổ biến hiện nay.
Giúp mẹ nhìn thấy hình thức (đặc, dẻo nên dễ nuốt) và dung lượng ít ỏi của sữa non là phù hợp với khả năng mút nuốt của con và phù hợp với dung tích dạ dày sơ sinh.

Giúp mẹ có được một kỹ năng hữu ích của quá trình nuôi con sữa mẹ, để sử dụng sau này, khi bị căng ngực, cương sữa, trữ sữa v.v. mà không phải phụ thuộc vào máy hút sữa
Giúp cho trong mọi tình huống, phòng hờ, bé luôn có sẵn sữa non của mẹ để việc "lập trình đầu đời" của niêm mạc ruột được hoàn hảo


Giúp mẹ yên tâm chuẩn bị cho những ngày sắp sinh, vì mẹ tin tưởng rằng cho dù đẻ mổ hoặc các chỉ định cách ly mẹ, con vẫn có sữa non của mẹ cho những cữ bú đầu tiên.
Chúc các mẹ nuôi con sữa mẹ đầy tự tin!

«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Leave a Reply